Hướng nghiệp cho con theo nghề giống mình: Nên và không nên

Có một xu hướng khá phổ biến khi ba mẹ hướng nghiệp cho con, đó là hướng con theo nghề giống mình. Hướng ở đây có nhiều mức độ, có ba mẹ chỉ khuyên nhủ tỉ tê, gặp dịp là chỉ ra nghề của mình hay như thế nào và khuyên con hãy theo nghề ấy, có ba mẹ thì nghiêm khắc quyết đoán hơn, xác định ngay từ đầu con phải nối nghiệp gia đình. Hướng con theo nghề của mình, chưa hẳn là hay nhưng không chắc đã dở. Bài viết dưới đây xin nêu một vài điểm nên và không nên của việc này.

Nên: Nếu con thích và có khả năng

Đây là trường hợp lý tưởng nhất. Khi con có thiên hướng và khả năng cùng lĩnh vực với ba mẹ, lúc đó con sẽ tự giác hỏi ba mẹ về nghề nghiệp tương lai, cùng bàn bạc và nghe lời ba mẹ tư vấn. Ba mẹ lúc đó ngoài việc là phụ huynh, còn là những tiền bối trong nghề cho con những lời khuyên bổ ích và chỉ dẫn cho con đường đi nước bước, hoặc truyền lại những kinh nghiệm quý báu, những sai lầm đắt giá để con tránh đi. Vậy nếu con thực sự thích cùng nghề với ba mẹ, thì câu trả lời là ba mẹ rất nên hướng con theo nghề của mình.

Nên: Nếu con có thể xem nghề như nghề tay trái, hoặc ứng dụng các kỹ năng của nghề cho các ngành khác 

Những nghề nghiệp như đầu bếp, thợ may, pha chế, trang điểm… là những ngành nghề mà, nếu con rành rẽ, sẽ rất có ích cho cuộc sống hàng ngày của con sau này. Thậm chí con có thể dùng đó như nghề tay trái, thỉnh thoảng ‘ra tay’ để thay đổi không khí hoặc khi con muốn đi làm thêm khi còn là sinh viên. Nên nhớ, để có được những kỹ năng kể trên, người ta cần bỏ tiền ra để học những khoá đào tạo ngắn, còn con thì đó là vốn có sẵn sau bao nhiêu năm phụ giúp gia đình.

Những nghề nghiệp đặc thù hơn, ví dụ kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, kế toán, kinh doanh buôn bán… con không dùng làm nghề tay trái được, nhưng con học được rất nhiều kỹ năng, đức tính quý giá từ các nghề nghiệp đó, như sự cẩn thận, khả năng giao tiếp, truyền đạt, tinh thần học hỏi… Không phải ngẫu nhiên mà người ta bảo rằng “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, hoặc “cháu tính toán nhanh ghê, con nhà buôn bán có khác”. Tuy nhiên, những kỹ năng này nên được ba mẹ làm gương và truyền đạt cho con theo cách tự nhiên nhất, ví dụ nhờ con phụ giúp công việc hàng ngày hay trò chuyện cùng con. Tránh đặt kỷ luật, đặt áp lực lên con bắt con phải giỏi thứ mà mình giỏi, thường sẽ gây ra tác dụng ngược khiến con chán ghét.

Hướng nghiệp cho con theo nghề giống mình: Nên và không nên - 30/04/2024

Nên: Nếu con thật sự chưa biết mình muốn làm gì 

Nếu sau bao nhiêu cuộc tư vấn hướng nghiệp, tham khảo nhiều sách báo và tìm hiểu nhiều ngành học, con vẫn thật sự chẳng biết mình hứng thú với nghề gì, ba mẹ có thể hướng con theo nghề của mình. Bởi lúc này con không có đam mê, nhưng con có một chút kỹ năng hoặc kiến thức căn bản về nghề đó, cũng như có ba mẹ sẵn sàng hướng dẫn, là những điều kiện tốt để bắt đầu. Tốt hơn rất nhiều so với để con quanh quẩn ở nhà hoặc học đại một ngành gì đó theo bạn bè, thời thế. Có thể sau khi đi làm một vài năm, con sẽ nhận ra mình thực sự muốn gì và cũng đã có một ít tài chính để chuyển ngành.

Không nên: Khi con có thiên hướng và khả năng hoàn toàn khác 

Đây là trường hợp mà ba mẹ rất không nên hướng con theo nghề của mình bởi những trường hợp này thường chỉ gây ra bất lợi và khổ sở cho hai bên. Con bị gò ép vào lĩnh vực mình hoàn toàn không thích thú, không có khả năng, lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng, có nguy cơ phải gắn bó với công việc này cả đời và sống trong bức bối. Đã có không ít trường hợp con bị mất phương hướng, mất niềm tin vào bản thân, mất mục đích sống vì không được lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Có những bạn trẻ thi vào trường ba mẹ yêu cầu chỉ để trao cho ba mẹ bằng tốt nghiệp và sau đó quay lại học ngành mình thích từ đầu. Ép con theo nghề, cả ba mẹ, hoặc doanh nghiệp gia đình, cũng sẽ chịu thiệt hại. Một người vốn không thích việc mình làm thường có năng lực kém, bởi không hề có động lực học hỏi và tiến bộ. Giới thiệu một nhân viên như vậy vào những nơi mình làm việc trước đây, ba mẹ nghĩ con sẽ trụ được bao lâu, và uy tín của ba mẹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Còn nếu đó là công ty gia đình, một người không tha thiết với công việc như một chiếc bánh răng lỗi nhịp sẽ làm rối loạn cả hệ thống. Ba mẹ có thể mất cơ nghiệp mình cả đời gây dựng, và mất cả con sau những ép uổng nghề nghiệp mà ba mẹ áp đặt lên con.

Không nên: khi con lười và ỷ lại 

Đây là trường hợp những bạn trẻ để đời sắp sẵn, mình sẽ học ngành đó, làm việc ở đó vì ba mẹ giới thiệu, hoặc làm ở công ty gia đình. Các bạn thường thích chơi hơn học, thích hưởng thụ hơn làm, không cần cố gắng nhiều bởi vị trí các bạn đã sẵn đó, dù có người giỏi hơn vẫn không lo mất chỗ. Nếu ba mẹ nương theo lối suy nghĩ đó, ba mẹ sẽ không bao giờ có thể yên tâm về con. Ngày nào con còn ba mẹ chống lưng, con còn có chỗ làm việc, doanh nghiệp còn đứng vững. Nhưng khi ba mẹ không ở đó nữa, ai sẽ nghe theo một người lãnh đạo không biết gì? Ai sẽ giữ lại một nhân viên kém tài? Và với lối suy nghĩ đã có ba mẹ giữ chỗ, không tự thân chứng tỏ năng lực của mình, con sẽ đi về đâu? Vì vậy, nếu con có sẵn lòng làm cùng nghề với mình, ba mẹ cũng phải yêu cầu con nỗ lực để xứng đáng với vị trí tương lai.

Những mong cầu đằng sau ý định muốn con nối nghiệp mình của những bậc cha mẹ thường cũng chỉ xuất phát từ lòng thương con, mong lộ trình nghề nghiệp của con suôn sẻ, dễ dàng. Nhưng yêu thương sẽ chỉ gây tổn thương nếu ta không thấu hiểu. Vì vậy ba mẹ và con hãy trò chuyện với nhau thật lâu trước khi quyết định nối nghiệp gia đình có phù hợp với cả nhà hay không.

Avatar Mobile
Menu Chính x