Cần trang bị các kỹ năng này để hòa mình vào dòng chảy kinh tế số

Trong xu thế phát triển của xã hội thời cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả các ngành nghề đều chuyển mình theo định hướng Chuyển đổi số, trong đó, kinh tế số là một trong những ngành tiên phong. Vậy, người học cần được tạo điều kiện và chủ động trang bị những kỹ năng gì để hòa mình vào dòng chảy kinh tế số?

Tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam tiến rất nhanh

Nhận xét về tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam, ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tiến rất nhanh, có những bước nhảy vọt trong Chuyển đổi số (CĐS). Cụ thể, đã có 60% DN hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến, Chính phủ điện tử (CPĐT) cũng đang cung cấp trên 2000 thủ tục trực tuyến. Ngoài ra, năng lực hấp thụ các công nghệ mới của DN Việt rất tốt, Chính phủ cũng đã nỗ lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng về CĐS.

Cần trang bị các kỹ năng này để hòa mình vào dòng chảy kinh tế số - 29/03/2024

Trang bị chương trình đào tạo kỹ năng số cho người học

Theo ông Jacques Morisset, việc có được kỹ năng mới đòi hỏi đầu tư từ cả cá nhân và tập thể của người lao động và DN, tuy nhiên chính phủ cũng góp phần quan trọng trong đó. Cụ thể, chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.

Thiết kế thị trường lao động linh hoạt hơn

Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cần được nâng cao chất lượng.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo

Để giải nút thắt về nguồn nhân lực, PGS. TS. Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có nhiều hơn khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo để lan tỏa thông tin, khái niệm, kiến thức về kinh tế số đến tất cả đối tượng; phải có những chương trình, kế hoạch để bồi dưỡng, lan tỏa kiến thức về kinh tế số để có mọi người có nhận thức về kinh tế số từ đội ngũ lãnh đạo quản lý cho đến các người triển khai thực hiện. Khi có những hiểu biết nhất định thì sẽ thay đổi về tư duy và có sự phát triển kinh tế số tốt hơn. Đồng thời cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược phát triển phải đến từ cấp Trung ương và Bộ GD&ĐT đóng vai trò chủ trì.

Các chuyên gia dự đoán tiềm năng kinh tế số của Việt Nam lên tới hàng chục tỷ USD, vì vậy, người học ngành Kinh tế số cần được tạo điều kiện thuận lợi  và chủ động trau dồi kỹ năng cần thiết để hòa mình vào dòng chảy kinh tế số./.

*Nguồn thông tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông.

 

Avatar Mobile
Menu Chính x