CÁCH ĐÁNH BẠI “KẺ THÙ TÂM LÝ” TRƯỚC KỲ THI CỦA HỌC SINH
“KẺ THÙ TÂM LÝ” CỦA HỌC SINH TRƯỚC KÌ THI VÀ CÁCH ĐÁNH BẠI
Mỗi một mùa thi đến đều mang đầy sức nóng, gây ra áp lực căng thẳng cho các thí sinh cũng như gia đình và toàn xã hội. Vậy phải làm sao để phát hiện sớm nhất những “kẻ thù tâm lý” của học sinh trước kỳ thi và cách đánh bại chúng để thí sinh có một mùa thi thành công?

Áp lực đến từ thông tin trên mạng xã hội
Các kỳ thi ngày càng trở nên căng thẳng áp lực hơn bao giờ hết, vì nó có những tác động đến cơ hội giáo dục cho cá nhân, quyết định đến cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng học sinh. Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, mùa thi năm nào cũng gây ra sự căng thẳng cho các thí sinh đồng thời cho cả gia đình và toàn xã hội. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh, hạn chế năng lực thực tế khi làm bài của các em.
Đặc biệt, sự lên ngôi của các trang Mạng xã hội nơi mà các thông tin được cập nhật liên tục, có sự đan xen nhiều thông tin tích cực và tiêu cực. Những thông tin tiêu cực hoặc không chính xác như đề thi mang tính đánh đố, tỉ lệ chọi cao, kỳ thi không công bằng… đã kích thích gây ra căng thẳng cho các sĩ tử. Khiến thí sinh hoang mang, lo lắng và không thể tập trung cho các hoạt động ôn luyện một cách tốt nhất.
Nếu ngủ 6h/ngày thì sẽ thi trượt?
Do quá nhiều sự kì vọng được đặt ra trong giai đoạn này, nhiều học sinh đã có những suy nghĩ rằng “nghỉ ngơi trong thời gian này là xa xỉ”, “nếu vẫn còn ngủ 6h/ngày thì sẽ thi trượt thôi”, “nếu không vượt qua kỳ thi này thì tôi chỉ là kẻ thất bại không đáng sống”; “tất cả mọi người sẽ coi thường tôi nếu tôi không đạt được kết quả như kỳ vọng”… Tạo ra nhiều thói quen sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian này, như thức khuya để học bài, uống các loại nước có cafein để giúp bản thân tỉnh táo, ngồi lì học bài, không duy trì vận động hay duy trì một chế độ luyện tập thể chất trong thời gian dài cũng làm cơ thể mệt mỏi ảnh hưởng đến sức học.

Nguy cơ trầm cảm từ việc tự nhốt mình để ôn tập
Trong giai đoạn gấp rút ngày thi đang đến gần, nhiều gia đình đã “cách ly” con mình ra khỏi những hoạt động xã hội. Xảy ra tình trạng học sinh tự nhốt mình trong nhà không tiếp xúc với ai trong suốt thời gian trước khi thi để tập trung ôn tập hiệu quả nhất. Chính sự cô lập này thiếu hoạt động, là nguy cơ gây các triệu chứng trầm cảm, ảnh hưởng đến tốc độ tư duy, tốc độ ghi nhớ và sự sắc bén của hệ thần kinh trong khi học tập của thí sinh.
Cách đánh bại “kẻ thù tâm lý”
Nghỉ ngơi phù hợp để học nhanh hơn
Để ứng phó với các “kẻ thù tâm lý”, sĩ tử cần thay đổi cách sinh hoạt trong thời gian này.
Hãy hạn chế tiếp xúc với những thông tin hoặc sự việc gây hoang mang trên mạng xã hội. Các em nên từ chối không tiếp tục câu chuyện với những người có tư tưởng cho rằng kỳ thi không công bằng vì điều đó sẽ tạo ra những suy nghĩ tiêu cực cho chính bản thân.
Nghỉ ngơi phù hợp, giúp não bộ được thư giãn và giúp chúng ta học được nhanh hơn. Duy trì giấc ngủ sâu đầy đủ, giúp bộ não tái tạo năng lượng giúp chúng ta tập trung hơn, ghi nhớ lâu hơn, tư duy sắc bén hơn. Nếu không vượt qua kỳ thi này thì tôi vẫn còn những lựa chọn khác để thành công.
Dành thời gian vận động giúp tăng cường endorphins, cải thiện tâm trạng khiến chúng ta hào hứng hơn khi học. Cố gắng duy trì một thời gian biểu lành mạnh: có kế hoạch vệ sinh giấc ngủ và ngủ đủ để cải thiện sức khỏe tinh thần, ăn uống cân bằng và đủ chất, duy trì một kế hoạch vận động.
Hãy nhớ rằng, sức khỏe thể chất tốt làm tăng sức đề kháng của sức khỏe tinh thần.
Dành thời gian “tử tế” với bản thân
Hạn chế những vấn đề gây xao nhãng, ảnh hưởng đến thời gian ôn luyện. Cần phải chia công việc ra thành các nhiệm vụ nhỏ để thực hiện từng bước. Đặt thời gian ngày giờ cụ thể và tự thưởng nếu mình hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.
Dành thời gian để “tử tế” với bản thân mình. Mỗi bạn hãy tìm ra một số cách thư giãn phù hợp để áp dụng, ví dụ thư giãn hít thở, thiền, yoga, nghe nhạc, uống một cốc trà ngon, hoàn thành một công việc mà mình giỏi…
Hãy duy trì các mối quan hệ xã hội để tránh sự cô lập. Hằng ngày hãy dành thời gian nói chuyện với người thân và bạn bè, củng cố những mối quan hệ hiện tại hoặc dành lại những mối quan hệ đã xa.
Không ngại nói ra những cảm xúc của bạn và nhờ sự trợ giúp. Trong giai đoạn này bạn hãy áp dụng phương châm “mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường”.
Để được tư vấn lựa chọn ngành nghề, vui lòng liên hệ:
Trung tâm Tuyển sinh và Phát triển kỹ năng nghề nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông
– Địa chỉ: đường Z115, Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
– Điện thoại tư vấn: (0208) 390 1828; 0981336628 – 0981336629.
– Website: http://tuyensinh.ictu.edu.vn / Email: tuyensinh@ictu.edu.vn / Facebook: tuyensinhdaihoc.ictu